Ngày đăng: 21/06/2017
Sáng nay 21/6, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đây là nghị quyết được mong chờ từ lâu của giới ngân hàng.
Theo số liệu do Thống đốc NHNN báo cáo lên Quốc hội, tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.
Còn nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ có nguy cơ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là 10,08%, tương đương khoảng 600.000 tỷ đồng.
Các đại biểu Quốc hội hầu hết đều có chung nhận định, có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu lúc này là hết sức cấp thiết để chữa trị cục máu đông ngăn cản mạch máu của nền kinh tế. Vậy nếu nghị quyết được thông qua, nói một cách công bằng thì ai sẽ hưởng lợi? nó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực trọng điểm như chứng khoán, doanh nghiệp, bất động sản nói riêng? Xoay quanh những câu hỏi này, bên lề hành lang Quốc hội chiều 20/6, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng và là đại biểu Quốc hội của đoàn Tp. Hồ Chí Minh.
PV Tùng Lâm: Thưa ông, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thảo luận khá kỹ lưỡng những ngày qua. Nghị quyết được thông qua sẽ mang lại lợi ích gì với các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Vấn đề quan trọng nhất là Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tác động lên nền kinh tế nói chung, giúp giảm chi phí xã hội và hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng. Theo tính toán của tôi thì lãi suất sẽ giảm đâu đó khoảng 1%. Do đó cả doanh nghiệp, người đi vay và ngân hàng sẽ cùng được lợi.
Riêng phía ngân hàng, xử lý nợ xấu sẽ giúp họ giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Nhưng quan trọng hơn cả là giúp các nhà băng nâng cao được chất lượng tín dụng bởi người đi vay sẽ có ý thức hơn trong việc vay vốn khi các ràng buộc về xử lý tài sản đảm bảo được quy định rõ ràng hơn.
Hay nói cách khác, trong quan hệ tín dụng, vấn đề được đặt lên hàng đầu là bảo vệ sự bình đẳng giữa người đi vay và người cho vay thì nghị quyết xử lý nợ xấu lần này đã làm rõ được giá trị đó, tức là sẽ giúp đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.
Một số ý kiến cho rằng, nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua sẽ có lợi hơn với các ngân hàng ôm nhiều nợ xấu, ông có nghĩ vậy không?
Bản thân các ngân hàng có nợ xấu cao đã và đang rất mệt mỏi. Nghị quyết này chỉ là tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn theo thông lệ quốc tế, chứ không phải để xóa nợ xấu cho họ. Và các ngân hàng nợ xấu cao sẽ vẫn còn nhiều khó khăn bởi họ chẳng dễ dàng gì bán được hết các tài sản để xử lý nợ.
Nhưng nghị quyết này quan trọng là sẽ giúp làm lưu động hóa các tài sản bất động. Tức là các tài sản xưa nay không xử lý được, không chuyển nhượng được, không đầu tư được, không thanh lý được, cứ nằm ì một chỗ, thì từ nay sẽ được lưu động được, mua bán được.
Ý ông đó là tia sáng cho thị trường bất động sản?
Đúng vậy, nó là tia sáng dưới góc độ tạo ra sản phẩm nhiều hơn và qua đó giảm bớt nguồn cung dư thừa. Thị trường sẽ sôi động hơn chứ chưa chắc giá đã cao hơn. Ý tôi là sẽ giúp giảm bớt sự dở dang của các công trình. Những hình ảnh các tòa nhà đắp chiếu sẽ giảm đi, sự lãng phí của toàn xã hội sẽ được giải phóng.
Thị trường chứng khoán đang hưng phấn hơn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng bởi đâu đó có sự kỳ vọng vào nghị quyết xử lý nợ xấu. Theo ông niềm tin đó có quá không?
Thị trường chứng khoán những ngày này sôi động lên không chỉ là nhờ nút thắt nợ xấu được tháo gỡ mà là niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đang có sự cải thiện.
Bức tranh kinh tế đang cho thấy có nhiều thuận lợi, ở góc độ nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy những nhà đầu tư có chất lượng như Mỹ, Nhật đang quan tâm hơn tới Việt Nam. Bên cạnh đó thể chế của Việt Nam cũng đang hoàn thiện. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thông qua sẽ giúp khởi nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua chỉ là sự bồi đắp thêm, làm tràn cơ hội của nhà đầu tư, giúp lãi suất thị trường mềm hơn và qua đó hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Với hoạt động tái cơ cấu tổ chức tín dụng, Nghị quyết này liệu có giúp ích gì cho quá trình tái cơ cấu diễn ra suôn sẻ hơn không thưa ông?
Thực tế Nghị quyết này mới chỉ là nút thắt về tài sản cầm cố được gỡ đi. Tại kỳ họp thứ 4 tới đây (vào cuối năm – pv), khi Quốc hội bàn việc sửa các điều trong luật TCTD hiện hành thì khi ấy mới có thể hỗ trợ nhiều cho quá trình tái cơ cấu. Song nghị quyết này cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho các ngân hàng trong việc tái cơ cấu, đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tùng Lâm (thực hiện)
Theo Trí thức trẻ