Những "phép màu" mà nghị quyết xử lý nợ xấu mang lại

Ngày đăng: 22/06/2017

Ngày 21/6 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. So với các dự thảo (luật và nghị quyết) và những đề xuất có liên quan trước đây, nghị quyết này có một số nội dung rất tích cực mà chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này sẽ giải phóng các khoản nợ xấu vẫn bị “treo” từ trước đến nay do những người chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu không dám bán nợ xấu với giá thị trường nhưng lại thấp hơn giá sổ sách, vì họ có khả năng bị kết tội làm thất thoát tài sản của tổ chức và cá nhân khác.

Thứ hai, nghị quyết đề cập đến tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu nhưng không nêu rõ đích danh Tổ chức quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) như trong các dự thảo và đề xuất nên có thể hiểu tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu này cũng hoàn toàn có thể là các tổ chức quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại (AMC) hoặc các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu độc lập, đã hoặc sẽ được thành lập sau này. Với sự mở rộng tư cách thành viên được phép tham gia thị trường mua bán, xử lý nợ xấu như vậy thì rõ ràng là khối lượng và giá trị giao dịch nợ xấu sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với trường hợp chỉ có VAMC “độc diễn” trên thị trường mua bán nợ xấu với một số đối tác được cấp phép hạn hẹp nhất định. Và như vậy cũng có nghĩa là tốc độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn nhiều.

Thứ ba, nghị quyết quy định rằng tổ chức mua bán nợ xấu được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường. Như vậy, có thể hiểu rằng đối với những khoản nợ xấu mà, ví dụ, VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với giá bằng giá trị sổ sách trừ đi dự phòng rủi ro thì VAMC sẽ được toàn quyền quyết định tương tự như trong trường hợp họ mua chúng theo giá thị trường (bằng tiền tươi thóc thật). Lúc đó, VAMC có thể bán lại khoản nợ xấu này cũng theo giá hiện hành trên thị trường mà hoàn toàn có thể là thấp hơn giá khi họ mua vào bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy gây ra “tổn thất” cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu, nhưng việc làm này của VAMC giúp giải phóng nhanh nợ xấu và tài sản thế chấp đi kèm mà không phải chờ đợi vô vọng đến thời điểm những khoản nợ xấu và tài sản thế chấp này sẽ bán được với giá bằng hoặc cao hơn giá bán cho VAMC lúc đầu.

Thứ tư, khác với dự thảo và đề xuất, nghị quyết cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân và cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ xấu. Điều này có nghĩa là ai và tổ chức nào trong nước cũng có quyền mua nợ xấu – một sự rất mở để việc mua bán nợ xấu diễn ra nhanh chóng, dễ dàng mà không bị trói buộc bởi những loại giấy phép kinh doanh (nợ xấu), cũng như để tài sản nợ xấu không bị trói buộc trong phạm vi sở hữu chỉ của những cá nhân và tổ chức có chức năng kinh doanh nợ xấu.

Thứ năm, cũng khác với dự thảo và đề xuất theo đó VAMC có quyền lựa chọn tổ chức định giá độc lập, nghị quyết quy định tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu (kể cả VAMC) phải thống nhất với tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn tổ chức định giá độc lập. Điều này sẽ tránh được rủi ro là VAMC vì muốn được việc cho mình nên lựa chọn một tổ chức định giá độc lập nào đó mà có thể gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng bên cạnh những nội dung tích cực, nghị quyết vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là quy định bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo các giấy tờ liên quan đến cho tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán nợ xấu. Trường hợp không bàn giao thì tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm.

Nhưng trên thực tế, dù tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán nợ xấu có nắm giữ được tài sản thế chấp cùng với tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này, thì việc bán lại các tài sản này cho một bên thứ ba cũng không chắc đã diễn ra thành công và suôn sẻ nếu, ví dụ, người chủ cũ nhất quyết không chịu làm thủ tục sang tên chủ sở hữu cho chủ sở hữu mới, kể cả đó chính là tổ chức tín dụng hay tổ chức mua bán nợ xấu.

Do vậy, chừng nào còn thiếu vắng những quy định có liên quan, ví dụ, bắt buộc chủ sở hữu cũ phải tiến hành việc sang tên chủ sở hữu (và nếu không làm thì sẽ bị truy tố), hoặc (trong trường hợp chủ sở hữu cũ vắng mặt) cho phép các cơ quan chức năng công nhận chủ sở hữu mới các tài sản bảo đảm nợ xấu mà không cần người chủ mới này phải làm thêm thủ tục sang nhượng quyền sở hữu từ chủ cũ. v.v.. thì chừng đó nghị quyết xử lý nợ xấu này cũng chỉ phát huy tác dụng trong một số trường hợp hãn hữu nhất định.

 

TS. Phan Minh Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Login Tỉ giá Lãi suất