Ngày đăng: 24/06/2017
Ngày 21/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng, áp dụng từ 15/8/2017.
Trong nghị quyết đáng chú ý có phạm vi nợ xấu là áp dụng với các khoản nợ phát sinh trước ngày 15/8/2017. Lúc này câu hỏi đặt ra là, tại sao lại có con số giữa chừng như thế, khi mà trong dự thảo Chính phủ trình lên là chia làm hai phương án: Trước 31/12/2016 và sau năm 2016?
Trong các phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng chỉ nên xử lý các khoản nợ trước thời điểm 31/12/2016 vì như thế sẽ tránh được việc có các đối tượng cố tình lợi dụng các quy định mới dễ dãi hơn với nợ xấu, cũng như tránh được các rủi ro không đáng có. Một số ý kiến thì cho rằng khoanh nợ như vậy để xử lý và có thời gian để kiểm nghiệm kết quả, nếu tốt mới lại sửa tiếp nghị quyết áp dụng cho các khoản sau này.
Những đại biểu trong ngành ngân hàng như hai cựu Thống đốc là ông Nguyễn Văn Giàu và ông Nguyễn Văn Bình và đương kim Thống đốc Lê Minh Hưng lại có chung quan điểm nợ xấu nào cũng là nợ xấu, không nên có ưu ái với nợ xấu cũ. Nghị quyết áp dụng với cả nợ xấu cũ lẫn nợ xấu mới sẽ làm cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra thuận lợi hơn, giúp cho nền kinh tế có thêm vốn để phát triển.
Người đứng đầu ngành ngân hàng hiện nay còn thống kê rằng, sau 5 năm nữa, dù nỗ lực xử lý nợ xấu thì với tốc độ tăng tín dụng 16% mỗi năm, hệ thống sẽ phát sinh thêm 350.000 tỷ đồng nợ xấu. Trước đó, số liệu đến 31/12/2016 cho thấy có khoảng 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng, bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý.
Do nhiều ý kiến bất đồng, Quốc hội đã phải sử dụng đến biện pháp là lấy phiếu biểu quyết. Song kết quả cuối cùng cho thấy biểu quyết về hai phương án không có sự chênh lệch đáng kể và đều chưa thể quá bán để quyết định.
Cuối cùng, sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng như đã đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%. Mặt khác, đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án chốt tại ngày 15/8/2017 sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau này.
Với các khoản nợ phát sinh sau thời điểm này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.
Sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.
Được biết, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục bàn và thông qua việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2010. Theo đánh giá của đại biểu Trần Hoàng Ngân đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh, những sửa đổi trong Luật chuyên ngành này sẽ có tác dụng lớn với hệ thống, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ngọc Toàn
Theo Trí thức trẻ