Ba điểm nhấn điều hành chính sách tiền tệ

Ngày đăng: 29/06/2017

Điều được đánh giá cao trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng qua, là đã giữ được ổn định tỷ giá trong bối cảnh cán cân thương mại thâm hụt, trong khi thị trường quốc tế không ngừng biến động, tác động không nhỏ đến diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế và lượng kiều hối chảy vào Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước
 

Diễn biến trên thị trường tiền tệ trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, các mục tiêu đặt ra trong điều hành chính sách tiền tệ của năm nay đang từng bước tiến vững chắc đến đích. Trong đó, lạm phát được kiểm soát ở mức sát mục tiêu khi CPI 5 tháng bình quân 4,47%, lãi suất trên thị trường ổn định, tín dụng tăng trưởng 5 tháng đạt 6,8% cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được đảm bảo, hệ thống các TCTD hoạt động an toàn… Tái cơ cấu đã có những bước tiến đầu tiên quan trọng trong việc xử lý nợ xấu và điều này sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn khi khung pháp lý về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội phê chuẩn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều được đánh giá cao trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng qua, là đã giữ được ổn định tỷ giá trong bối cảnh cán cân thương mại thâm hụt, trong khi thị trường quốc tế không ngừng biến động, tác động không nhỏ đến diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế và lượng kiều hối chảy vào Việt Nam. Đâu là mấu chốt cho sự ổn định tỷ giá này? Thứ nhất, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN, cùng với sự điều hành bám sát những biến động trên thị trường quốc tế và chủ động định hướng thị trường đã tạo ra được tính thị trường hóa trong tỷ giá là yếu tố quan trọng giữ cho tỷ giá ổn định.

Theo đó, trong 6 tháng qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất định hướng lên đến 1,25%. Trong các thời điểm Fed tăng lãi suất, trên thị trường quốc tế đồng USD tăng giá, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có biến động tăng khoảng 0,1-0,32% so với các ngày liền kề trước mỗi đợt Fed tăng lãi suất, sau đó dần ổn định lại và sự biến động chịu sự tác động bởi các yếu tố khác. Nhìn chung từ đầu năm đến nay chỉ số DXY có xu hướng giảm từ mức trên 100 điểm xuống mức 96-97 điểm. Điều này phản ánh USD có xu hướng giảm giá so với 6 đồng tiền chủ chốt như đã nói ở trên và cụ thể ngày 27/6/2017 chỉ số DXY ở mức 96,97 điểm.

Xét tỷ giá giữa VND với USD từ đầu năm đến nay cho thấy có sự biến động nhẹ. Thời điểm tăng cao rơi vào tuần đầu của tháng 3/2017, ngày cao nhất là 22.805 đồng/USD (tỷ giá mua vào của Vietcombank), sau đó có xu hướng giảm dần, đến ngày 27/6 ở mức 22.700 đồng/USD. Sự biến động tỷ giá VND với USD trong mối tương quan với chỉ số DXY trong 6 tháng qua là thuận chiều, điều này cho thấy tính thị trường trong tỷ giá ngày càng cao.

Thứ hai, sự ổn định tỷ giá còn là kết quả của việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong điều hành lãi suất VND trên thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu Chính phủ. Thanh khoản của hệ thống các TCTD, sự ổn định của thị trường vàng… tất cả điều đó đã góp phần giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá. Thứ ba, chính sự ổn định tỷ giá cùng với nỗ lực và kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là động lực thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2017, góp phần gia tăng lượng ngoại tệ vào Việt Nam.

Có thể nói việc điều hành chính sách tiền tệ đã tạo được sự cộng hưởng hiệu quả giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tính “looking forward” ngày càng rõ nét trong điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù không ít thách thức trong 6 tháng đầu năm 2017 cho hệ thống ngân hàng, song những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ tạo đà vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 của NHNN.

 

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Thời báo ngân hàng

Login Tỉ giá Lãi suất