Ngày đăng: 29/06/2017
Sáng nay (28/6), Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp tổ chức Hội nghị "Tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Trong giai đoạn vừa qua, vùng Tây Nam Bộ đã hình thành mạng lưới gần 39.600 Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các ấp, phum, sóc, tổ dân phố và hơn 1 ngàn 500 điểm giao dịch xã. Trong 5 năm qua, các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay hơn 33.000 tỷ đồng từ 17 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội nêu rõ, hoạt động này đã có tác động to lớn, đem lại sự ổn định cho khu vực nông thôn, nông dân Tây Nam Bộ, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững; đồng thời có tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, vốn chính sách còn giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả Ngân hàng chính sách xã hội đã đạt được sau 5 năm thực hiện đề án.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, tổng dư nợ cả nước của Ngân hàng chính sách xã hội đến ngày 31/12/2016 là 157.000 tỉ đồng nhưng dư nợ tín dụng của vùng ĐBSCL lại rất khiêm tốn, chỉ gần 28.000 tỉ đồng. Cả nước có 30 triệu lượt hộ được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách, thì ĐBSCL chỉ có gần 2,4 triệu lượt hộ được tiếp cận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy lùi, xoá bỏ tín dụng phi chính thức ở nông thôn
Trước những hạn chế về hoạt động tín dụng chính sách, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu mà Ngân hàng chính sách xã hội cần quyết tâm thực hiện trong 3-5 năm tới là 100% hộ nghèo, hộ chính sách thuộc đối tượng được vay vốn phải được hưởng chính sách tín dụng này. Ngoài ra, cần phải đẩy lùi, xoá bỏ tín dụng phi chính thức ở nông thôn, nhất là tín dụng đen.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị phải tăng tổng dư nợ cho khu vực Tây Nam bộ cũng như tăng mức bình quân số tiền được vay trong mỗi trường hợp có nhu cầu vay lên cao hơn so với hiện nay.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ dành khoản vốn 23.000 tỉ đồng cho hoạt động tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020. Trong đó, 15.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng để bù cấp lãi suất vay; 5.000 tỉ đồng để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội và 3.000 tỉ đồng bù cấp lãi suất vay nhà ở xã hội./.
Theo Thanh Tùng
VOV