Ngày đăng: 12/05/2017
Tham gia thảo luận tại Hội trường sáng ngày 16/6 về Luật quản lý nợ công (sửa đổi), bên cạnh vấn đề phạm vi nợ công được quan tâm thì nhiều đại biểu cũng đề cập sâu đến quyền hạn, nhiệm vụ quản lý nợ công.
Cụ thể, theo dự thảo Luật, Chính phủ vẫn đề nghị giữ nguyên 3 đầu mối như hiện hành. Trong đó Điều 19 dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...
Tham gia phát biểu có tới hơn 2/3 số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ quyền hạn quản lý nợ công.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), về cơ bản là Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các cơ quan. Song dự thảo luật nên quy định theo hướng giao Chính phủ quyết định việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan trong quản lý các mảng nội dung lớn về quản lý nợ công, như quản lý ODA, quản lý vốn vay ưu đãi trên nguyên tắc cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý các mảng công việc này sẽ phải chịu trách nhiệm từ khâu đàm phán, ký kết, vay với các nhà tài trợ đến quản lý sử dụng hiệu quả vốn vay. Chưa nên có xáo trộn hay thay đổi đầu mối đàm phán với các tổ chức quốc tế đã được quy định tại các luật có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì cho rằng việc Chính phủ giữ nguyên phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan là có cơ sở, nhất là việc tiếp tục giao Ngân hàng nhà nước chủ trì đàm phán Hiệp định vay với World Bank, ADB . Lần này Quốc hội sửa đổi luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nếu có vướng mắc thì sửa, nếu phù hợp thực tiễn thì tiếp tục phát huy. Thực tế, thời gian qua có thể thấy Ngân hàng nhà nước vẫn làm tốt nhiệm vụ và các nhà tài trợ cũng đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, việc thống nhất đưa về một cơ quan quản lý thực tế cũng có nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng không ít những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị để tránh làm xáo trộn các mối quan hệ với quốc tế, chúng ta chưa nên thay đổi các đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định với các nhà tài trợ mà giữ nguyên như cũ. Đó là, Bộ Tài chính thì chủ trì đàm phán ký kết vay đối với các đối tác song phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán ký kết về vốn ODA, Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán ký kết vay đối với WB và ADB.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) nhận định, việc phân công nhiệm vụ cho 3 bộ là phù hợp, tạo điều kiện phát huy được thế mạnh của từng cơ quan, đảm bảo các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chẳng hạn như NHNN, căn cứ vào thể chế chính trị ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa là Ngân hàng Trung ương vừa là cơ quan của Chính phủ, nên việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán hiệp định vay với nhà tài trợ là hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, quá trình thực hiện nhiệm vụ đàm phán trong suốt hơn 40 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã gây dựng được bộ máy con người có kiến thức, có kĩ năng nghiệp vụ chuyên sâu cũng như mối quan hệ đối tác sâu rộng với World Bank và ADB, qua đó giúp Ngân hàng nhà nước luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc chuyển nhiệm vụ này sang cơ quan khác sẽ gây xáo trộn lớn về bộ máy, con người, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức có liên quan, gây lãng phí nguồn lực tài chính và con người mà không đạt được mục tiêu của cải cách hành chính.
Đại biểu Hải bổ sung thêm rằng, vẫn biết rằng, vấn đề nợ công tăng cao và hiệu quả sử dụng nợ công đang là vấn đề mà nhiều cử tri và cả xã hội quan tâm. Những bất cập của các dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay, đại biểu cho rằng không phải phát sinh từ việc phân công nhiệm vụ, ký kết hiệp định, vay vốn ODA và vốn ưu đãi giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước mà là do những bất cấp đã được xác định trong quản lý sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay như về cơ chế tài chính, về vốn đối ứng, về giải phóng mặt bằng, về trần nợ công, về đấu thấu, về quản lý dự án v.v..
Nhiều đại biểu phát biểu sau đó cũng có những quan điểm tương tự về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nợ công mà Chính phủ đã đề xuất trong dự án luật.
Trong 10 phút phát biểu giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu để kết thúc phiên thảo luận về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ quan điểm rằng, quan điểm của Bộ Tài chính, mỗi tiến trình là một đầu mối nhưng Chính phủ thống nhất như vậy thì Bộ Tài chính cũng thống nhất.
Nhưng tư lệnh ngành tài chính giải thích thêm, “một đầu mối ở đây, chúng tôi không nói là Bộ Tài chính mà chúng tôi muốn báo cáo là về đâu cũng được, về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về Ngân hàng Nhà nước cũng được, thậm chí về văn phòng Chính phủ cũng được do Chính phủ phân công. Nhưng kinh nghiệm tổng kết các nước thì phần lớn là về Bộ Tài chính”.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ