Ngày đăng: 20/06/2017
Cuối tuần qua, vấn đề “nóng” về xử lý nợ xấu, khi được đặt lên bàn nghị sự, đã nhận được hàng chục ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tựu chung lại, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.
Nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng, quá trình tích tụ lâu dài đến nay đã chạm vào “động mạch chủ” của nền kinh tế. Do đó, cần sớm có “liều thuốc đặc trị” nếu không muốn “đột quỵ” hoặc “tính mạng” bị đe doạ.
Cần xử lý trách nhiệm nợ xấu
Trong số 25 đại biểu được đăng đàn, có nhiều phát biểu đề nghị xác định rõ nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc để gây ra nợ xấu.
Trả lời các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết nợ xấu do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, về nhóm nguyên nhân khách quan, thời gian qua, sự bất ổn chính trị và khủng hoảng trên thị trường tài chính tiền tệ tác động rất mạnh và gây tiềm ẩn rủi ro rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Trong khi đó, chính sách vĩ mô thiếu ổn định, ảnh hưởng từ thiên tai, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn và chất lượng kinh tế cũng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả sản xuất còn thấp nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài thì đều tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vay vốn, do đó gián tiếp và trực tiếp đều gây ra nợ xấu.
Bên cạnh đó, hệ thống một số các cơ chế chính sách về xử lý tài sản còn bất cập nên chưa hạn chế được việc xử lý tài sản cũng như nợ của các tổ chức tín dụng; nhiều trường hợp khách hàng vay còn chây ỳ và trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; thị trường vốn còn chưa phát triển tương xứng nên hệ thống ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho đầu tư và phát triển.
Về nguyên nhân chủ quan, Thống đốc cho rằng năng lực tài chính bản thân các ngân hàng còn yếu kém, quy trình tín dụng chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở; Xử lý nợ xấu chưa triệt để; Còn một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá đạo đức.
Riêng về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc cho biết, trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn kỹ, không có một quy định nào trong dự thảo nghị quyết này có thể gây ra, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể trục lợi. Các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bản và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm khoảng 5,8%. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%.
Nợ xấu phát sinh 1,3-1,5%/năm
Một số ý kiến của đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa), đại biểu Hoàng Mai (Tiền Giang), đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) và đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) có liên quan đến một số vấn đề lớn về giới hạn phạm vi nợ xấu,
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời: Dự thảo nghị quyết quy định phạm vi áp dụng các khoản nợ xấu được điều chỉnh tại nghị quyết bao gồm cả nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của nghị quyết và không bị giới hạn về thời điểm phát sinh nợ xấu và phạm vi điều chỉnh như trên rất cần thiết vì một số lý do.
Việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết chỉ gồm nợ xấu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xử lý triệt để và toàn diện nợ xấu.
Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bản và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm khoảng 5,8%. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%.
Trong khi đó, nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, về bản chất, hoạt động của các tổ chức tín dụng rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tính trung bình trong những năm qua, nợ xấu phát sinh hàng năm là 1,3% – 1,5%.
Theo Thống đốc NHNN, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành.
“Nếu nghị quyết có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian để chúng ta có thể xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn”, Thống đốc khẳng định.
Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định cũng tạo cơ chế không đồng bộ. Một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật, như vậy rất khó cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk), đại biểu Phú Quốc (Tp. Hồ Chí Minh), đại biểu Mỹ Dung (Long An), đại biểu Anh Tuấn (Nam Định) có nêu lên một nội dung rất quan trọng là thu giữ tài sản.
Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo, việc thu giữ tài sản bảo đảm có ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, về quyền chỗ ở. Tuy nhiên, quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên và chính đáng mà tổ chức tín dụng có được theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm.
Các thỏa thuận về quyền thu giữ các bên liên quan là phù hợp với hiến pháp và quy định của pháp luật. Do đó, quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã được đồng ý trên cơ sở tự nguyện của các bên. Riêng về quyền nhà ở, Thống đốc cho hay sẽ có giải thích cụ thể và bổ sung chi tiết.
Huyền Anh
Thời báo Kinh doanh