Ngày đăng: 20/06/2017
Tín dụng hiện đang rót mạnh cho các đối tượng khách hàng nông nghiệp, nông thôn, nông dân bởi đây là một kênh đầu tư an toàn, ổn định mặc dù lợi nhuận có thể không bằng cho vay một số lĩnh vực khác.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cân đối đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, cùng với từng bước kiểm soát nợ xấu.
Tăng cho vay nông nghiệp nông thôn
Mới đây, tại Hội thảo về Tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ông Lê Ngọc Sách cho biết, tổng dư nợ trên địa bàn huyện tính đến ngày 31/5 là 283,039 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ quá hạn chỉ có 20 triệu đồng.
Ông Sách cho biết, hộ nông dân đến vay vốn tại ngân hàng trả lãi rất đúng hạn. Cho vay nông nghiệp nông thôn rất “yên tâm”, dù là những khoản vay nhỏ, dưới 100 triệu đồng, nhưng cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ.
Nợ xấu, thời gian trước và cho đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều ngân hàng. Một số ngân hàng, nợ xấu đã ăn mòn lợi nhuận nên để giảm nỗi lo trong tương lai, nhiều ngân hàng quản rất chặt các khoản vay. Thống kê nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý hiệu quả, đến cuối tháng 3/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,55%.
Hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng mô hình quản lý nợ xấu, đưa bộ phận chuyên trách xử lý nợ xấu từ hội sở đến chi nhánh. Trung tâm xử lý nợ tại các ngân hàng do lãnh đạo cấp cao trực tiếp phụ trách, chỉ đạo sát sao tới từng bộ phận và cán bộ nhân viên.
Việc xử lý nợ xấu được kiểm tra định kỳ, đưa việc xử lý nợ xấu trở thành yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh của chi nhánh và kết quả làm việc của cán bộ nhân viên.
Bên cạnh đó, với việc chia nhỏ các khoản vay để quản lý tốt hướng đi dòng vốn, hướng đi của ngân hàng thời gian gần đây cũng cho thấy, đang đánh mạnh vào khu vực nông nghiệp nông thôn.
Các ngân hàng trước đây vốn không “mặn mà” trong việc tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi trong quan điểm và hành động.
Thị trường nông nghiệp nông thôn không chỉ dành riêng cho những ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Hợp tác xã mà đã mở rộng sang cả Vietcombank, BIDV, Viettinbank hay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo ông Sách, cho vay người nông dân chính là điểm tựa an toàn.
NHNN cũng đã xác định đây là một trong bốn lĩnh vực ưu tiên mà ngành ngân hàng cần tập trung đầu tư vốn. Vì vậy, NHNN đã xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước và ảnh hưởng đến số đông người dân như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản… góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực này.
Thị trường nông nghiệp nông thôn không chỉ dành riêng cho những ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Hợp tác xã mà đã mở rộng sang cả Vietcombank, BIDV, Viettinbank hay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Triển khai các gói vay thích hợp
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng vay trong tiếp cận vốn tín dụng.
Tại chuyến đi thực tế tới một số tỉnh phía Bắc, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thật sự an toàn và hiệu quả. Cứ mỗi khi vào vụ thu hoạch xong là bà con lại xếp hàng để trả nợ ngân hàng. Đến hẹn, ngân hàng cứ thế mà thu nợ. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đối tượng khách hàng nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một kênh đầu tư an toàn, ổn định, dù lợi nhuận có thể không bằng cho vay một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực này thường là các món vay nhỏ lẻ nên ngân hàng không phải lo nợ xấu.
Tuy nói vậy song ngân hàng cũng không được chủ quan với nợ xấu. Bà Ceyla Pazabassiouglu – Giám đốc cấp cao về Tài chính và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng thế giới – cho biết, công tác quản lý và giải quyết nợ xấu của ngân hàng được chia ra theo các giai đoạn: cảnh báo nợ xấu; xác định nợ xấu và trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu; phân loại, sắp xếp ưu tiên xử lý nợ xấu, can thiệp có mục đích của cơ quan quản lý.
Đối với chính sách của khu vực công về quản lý và xử lý nợ xấu phải tạo môi trường thuận lợi cho công tác quản lý và xử lý nợ xấu, phải có quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động đối với các TCTD, hướng dẫn biện pháp giám sát đối với nợ xấu.
Chính sách của khu vực công can thiệp trực tiếp trong trường hợp cần thiết để tăng cường quản lý và xử lý nợ xấu. Nợ xấu phải được ghi nhận đầy đủ và kịp thời, phải được phân loại chính xác, từ đó xác định biện pháp và mục đích quản lý và xử lý nợ xấu phù hợp.
Huyền Anh
Thời báo Kinh doanh